Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Thứ tư - 30/10/2024 11:09 27 0

Ngày 28/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo tóm tắt, xem video về kết quả giám sát. Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận các nội dung liên quan đến việc đáp ứng mục đích, yêu cầu đặt ra của cuộc giám sát, thực trạng việc thực hiện, kết quả đạt được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023; tính phù hợp, khả thi của các giải pháp trước mắt và lâu dài trong báo cáo giám sát và dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp thu, giải trình

Liên quan đến việc tiếp cận tín dụng, vốn đầu tư, lãi suất cho vay, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc tiếp cận tín dụng, vốn đầu tư vào thị trường bất động sản thường yêu cầu giá trị lớn và thời hạn dài, vì vậy cần phải được huy động từ nhiều kênh và vốn ngân hàng chỉ là một kênh. Các tổ chức tín dụng luôn luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và phải đảm bảo thu hồi vốn để sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền, nếu không thu hồi được vốn có thể sẽ gây hệ lụy đến chính tổ chức tín dụng mình, cũng như đối với an toàn của hệ thống và nền kinh tế. Vì thế, ngay cả khi có những dự án khả thi và có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn từ chối cho vay, bởi vì có thể thời hạn vay của dự án này không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng.

Về nhận định lãi suất còn cao, trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng rất cao nhưng mặt bằng lãi suất của Việt Nam lại kiểm soát được và lãi suất cho vay mới giảm khoảng 3% so với từ đầu năm 2022 đến nay: Khi doanh nghiệp và người dân khó khăn thì các tổ chức tín dụng cũng dành chính nguồn lực tài chính của mình để miễn giảm lãi, cũng như miễn giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân. Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp và người dân.

Về tín dụng nhà ở xã hội, Báo cáo giám sát đã chỉ ra thị trường bất động sản đang tồn tại sự mất cân đối và đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế. Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành tập trung các giải pháp để phát triển nhà ở xã hội và kể cả việc kêu gọi xã hội hóa trong thời gian vừa qua để xây dựng xóa nhà tạm dột nát. Hiện nay đang có một số chương trình cho vay nhà ở xã hội, các chương trình này đang được thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đối tượng được vay đều do các bộ, ngành xác định và quy định rất rõ, còn Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ thực hiện giải ngân sau khi đã thẩm định toàn bộ hồ sơ đúng đối tượng cho vay theo quy định của các bộ, ngành.

Báo cáo về tình hình triển khai thi hành Luật đất đai năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Chính phủ, các bộ ngành đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai kịp thời ban hành và có hiệu lực đồng thời với Luật gồm: 10 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 07 thông tư của các bộ. Các địa phương cũng đã nỗ lực để ban hành các quy định chi tiết theo thẩm quyền do Luật giao (20 nội dung).

Về điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành để tiếp tục áp dụng đến 31/12/2025, vướng mắc liên quan đến điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024: “Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Đây là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng Bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 01/01/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến trong Bảng giá đất, ảnh hướng đến quyền và nghĩa vụ của một số đối tượng người sử dụng đất.

Tuy nhiên, khi tiến hành điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ thì sẽ xảy ra trường hợp giá đất trong Bảng giá đất sau khi điều chỉnh có chênh lệch lớn so với giá đất trong Bảng giá đất hiện hành. Đặc biệt là tại các địa phương trong suốt giai đoạn 2021 - 2024 không điều chỉnh hoặc không thường xuyên điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nay khi thực hiện điều chỉnh lại điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng giá đất trong Bảng giá đất trước khi điều chỉnh.

Liên quan đến tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức đấu giá như: công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm giá để tính giá khởi điểm; trong quy chế đấu giá có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá và bổ sung quy định việc công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản; cần có các biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản, nhà ở, đất ở có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu thực, khắc phục tình trạng mất cân đối cung, cầu trên thị trường bất động sản, bao gồm các sản phẩm đấu giá quyền sử dụng đất; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Liên quan đến ngành xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã thấy rõ trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp. Nhiều vướng mắc liên quan đến quy định và thực thi pháp luật, vướng mắc liên quan đến quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng, tín dụng... liên quan đến thủ tục hành chính triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, các địa phương sẽ tập trung thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới cũng như thực hiện Nghị quyết giám sát của Quốc hội về chuyên đề này và các chương trình, đề án, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển nhà ở xã hội. Xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của từng địa phương. Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở xã hội để có thể mua, thuê, thuê mua nhà lưu trú, tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê.

Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn các quy định pháp luật vừa được thông qua liên quan đến phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, như Luật Quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, ...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết sẽ tiếp thu và triển khai, rà soát trong thời gian tới nhằm chống lãng phí nhiều dự án, kể cả nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại và nhiều dịch vụ thương mại, du lịch... không để ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, đưa ra các cơ chế phù hợp để giải quyết, đảm bảo lợi ích của người dân và hài hòa lợi ích của Nhà nước; mở rộng và tạo ra các quỹ đất làm nhà ở thương mại hoặc để làm nhà ở xã hội; rà soát lại toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang nhà ở xã hội; đẩy mạnh cải cách, rút gọn, tinh giản quy trình thủ tục hành chính, mở rộng các đối tượng thụ hưởng, tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội, sử dụng phối hợp nhiều biện pháp để giữ giá nhà ở xã hội ở mức hợp lý để đảm bảo nâng cao hiệu quả phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên thảo luận

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả giám sát và nỗ lực của Đoàn giám sát, sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để Đoàn giám sát hoàn thành nhiệm vụ, kết quả giám sát cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, các đại biểu Quốc hội thống nhất. Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến việc phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội cho người dân.

Giai đoạn 2015-2023, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội đã mang lại nhiều kết quả tích cực, thay đổi bộ mặt đất nước, đô thị và nông thôn. Thị trường bất động sản đã tạo ra một khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế của đất nước và quá trình xây dựng phát triển đô thị nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển nhà ở xã hội cũng đã đáp ứng được một phần nhu cầu chỗ ở cho người có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp, các đối tượng chính sách, các hộ nghèo.

Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tập trung, phân tích kết quả đạt được, bất cập, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm, đồng thời đóng góp nhiều giải pháp để hoàn thiện chính sách pháp luật, khắc phục bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện với mục tiêu phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội an toàn, lành mạnh, bền vững, cân đối cung - cầu, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân, người lao động, đối tượng chính sách.

Qua thảo luận, Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc chậm ban hành và chỉ đạo việc ban hành các văn bản cụ thể hóa Luật Đất đai và các luật có liên quan theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thanh Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay58
  • Tháng hiện tại64,201
  • Tổng lượt truy cập1,945,732
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây