Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Thứ sáu - 01/11/2024 14:45 35 0

Chiều ngày 31/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Bảo hiểm y tế
dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua năm 2008, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 là cơ sở pháp lý cao nhất thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Đây là lần lập pháp thứ ba về bảo hiểm y tế. Có thể nói, cùng với việc thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, việc xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại kỳ họp này cho thấy Quốc hội và Chính phủ khóa XV đang hết sức nỗ lực để thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng về việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách đã đề ra trong cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. Cùng với sự phát triển xã hội, quá trình tổ chức thi hành Luật Bảo hiểm y tế phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập đã được Chính phủ nhận diện đầy đủ trong Báo cáo tổng kết thi hành luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Về nguyên tắc để giải quyết căn cơ những vướng mắc, bất cập này thì phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội phân tích trong thảo luận tổ. Tuy nhiên, vì lý do khách quan, để tạo sự thống nhất, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực về cấp khám, chữa bệnh quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và tháo gỡ ngay một số vướng mắc, khó khăn lớn trong thực tiễn, tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là những người mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo được tiếp cận kịp thời, thuận lợi các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có chất lượng, bảo đảm quyền lợi chính đáng, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh. Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.

Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Điều 12 sửa đổi, bổ sung về mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế; Điều 13 sửa đổi, bổ sung phương thức đóng bảo hiểm y tế; Điều 15 sửa đổi, bổ sung về thẻ bảo hiểm y tế; Điều 16 và Điều 17 sửa đổi, bổ sung; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế; mức hưởng bảo hiểm y tế ở các Điều 21, Điều 22 và Điều 23 sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, đối với vấn đề thông cấp khám bệnh, chữa bệnh được sửa đổi tại khoản 3 Điều 22. Nhiều ý ủng hộ việc thiết lập cơ chế có tính đột phá để người dân, nhất là người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh sử dụng kỹ thuật cao không còn lệ thuộc vào thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nữa mà có thể đến bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào theo nguyện vọng của mình; thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh ở Điều 35 (sửa đổi); Chi phí quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, khoản 1 Điều 35 (sửa đổi); quy định về chậm trốn đóng bảo hiểm y tế ở khoản 9; khoản 10 Điều 2, điểm a khoản 3 Điều 49 (sửa đổi, bổ sung); trách nhiệm của các cơ quan về bảo hiểm y tế ở các Điều 6; Điều 7a, Điều 7c, Điều 8, Điều 10 và Điều 41 (bổ sung).

Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế cảm ơn sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội đến chính sách rất quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, một chính sách rất nhân văn để đảm bảo nguồn lực cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân. Các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội góp phần cho việc nâng cao chất lượng của công tác khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho người dân một cách thuận lợi nhất.

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan cũng đã tập trung triển khai các mục tiêu này về hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật cũng như việc tổ chức triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin, việc tập trung cải cách hành chính và hàng loạt các việc triển khai tại các cơ sở y tế. Ngành y tế cũng đã áp dụng bộ hệ thống tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người bệnh, triển khai các chương trình như bệnh viện xanh, sạch, đẹp... Qua đó đã thể hiện một quyết tâm để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh, hoàn thiện chính sách về chăm sóc bảo hiểm y tế cho người dân.

Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu

Vấn đề đảm bảo nguồn lực ngân sách cũng như vấn đề chữa bệnh cho người dân một cách kịp thời, hiệu quả đáp ứng được các nhu cầu cân đối chung của tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, để có được nguồn lực cho quỹ bảo hiểm y tế, đã có sự tham gia của ngân sách nhà nước, của người sử dụng lao động, của người lao động và bản thân người dân mua bảo hiểm y tế. Chính vì vậy, để hài hòa được các mục tiêu cũng như đảm bảo được cân đối quỹ là bài toán rất lớn, trong quá trình hoàn thiện dự án luật.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế liên quan tới học sinh, sinh viên, liên quan tới thân nhân của quân nhân thường trực, các đối tượng của vùng an toàn khu, các vùng đồng bào biên giới, vùng khó khăn và kể cả người cao tuổi... Bộ Trưởng Bộ Y tế tiếp thu, sẽ cho rà soát, đánh giá, đồng bộ lại hệ thống pháp luật và trên cơ sở đảm bảo tương quan chung nhất và quyền lợi của người dân tham gia Bảo hiểm y tế, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục hoàn thiện về nội dung liên quan đến từng đối tượng.

Liên quan tới các điều kiện về chuyển tuyến người bệnh, dự thảo luật đề cập đến những vấn đề liên quan tới các bệnh hiểm nghèo, các bệnh cần phải có chuyên môn, kỹ thuật cao và các bệnh tuyến chuyên sâu mới đáp ứng được. Việc giải quyết những vấn đề về chuyển tuyến đã được cân nhắc để đáp ứng được mục tiêu vừa phục vụ cho người bệnh nhưng cũng đảm bảo được hệ thống cân đối.

Liên quan tới các vấn đề về khám, chữa bệnh từ xa rất nhiều đại biểu có ý kiến và nội dung này cũng chính là thể chế hóa các quy định của Luật Khám, chữa bệnh. Trong Luật Khám, chữa bệnh đã đề cập đến điều kiện nào được khám chữa bệnh từ xa, các chuyên môn, kỹ thuật như thế nào. Luật Bảo hiểm y tế đi cùng để đảm bảo khả năng thanh toán cũng như là nguồn lực để thực hiện cho công tác khám, chữa bệnh từ xa. Đây cũng chính là một giải pháp rất tốt để hỗ trợ cho các tuyến y tế cơ sở có thể phát triển được.

Liên quan tới các quy định về liên thông, vấn đề này cũng là một trong nội dung trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã nói về kết quả để giảm các chi phí trong quá trình thực hiện các xét nghiệm nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ cho người bệnh. Trong Luật Khám, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua năm 2023 có đề cập đến nhưng để đảm bảo thực hiện được nội dung này cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Ví dụ như vấn đề giá dịch vụ khám, chữa bệnh liên quan tới chi phí quản lý, trong đó có chi phí về công nghệ thông tin, các quy định để đầu tư, việc chuyển đổi số cho các hệ thống y tế cơ sở, các bệnh viện.

Các quy định khác liên quan đến điều trị lác mắt, trước đây quy định là điều trị các tật khúc xạ cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên đối với chuyên môn thì việc điều trị dưới 6 tuổi không đáp ứng được hiệu quả và khi trẻ em lớn hơn thì mới cần phải có những can thiệp, luật lần này đã đảm bảo quyền lợi cho trẻ em và vị thành niên đã đề cập bổ sung là dưới 18 tuổi.

Các quy định khác về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh trong việc đảm bảo thuốc đã được quy định trong Luật Khám, chữa bệnh. Trong dự án luật lần này bổ sung việc điều chuyển thuốc giữa các bệnh viện cũng như quy định trong Thông tư 22 của Bộ Y tế về vấn đề khi người bệnh thực hiện tất cả các quy định mà không đảm bảo thuốc được thì có quy định được thanh toán. Bộ Trưởng Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, việc thanh toán sẽ do cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thực hiện, phối hợp cùng với cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam để tránh phiền hà cho người bệnh khi phải làm việc thanh toán trực tiếp.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết phiên thảo luận đã có 20 ý kiến phát biểu trên tổng số 67 ý kiến đại biểu đăng ký, có 07 đại biểu tranh luận.

Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ dự án luật kịp thời, có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ của các vị đại biểu Quốc hội. Các ý kiến đại biểu phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội đối với dự thảo luật, làm cơ sở để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung quy định, cả về kỹ thuật lập pháp.

Các ý kiến phát biểu cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội.

Các đại biểu cũng đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, bảo đảm sự tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, thuận tiện, nhanh chóng của người dân. Các đại biểu bày tỏ ủng hộ cơ chế đột phá trong vấn đề cung cấp khám bệnh, chữa bệnh với quan điểm lấy lợi ích và sự hài lòng của người dân, của người bệnh là trung tâm. Để chính sách đột phá này có tính khả thi, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và sự thay đổi mạnh mẽ của cả hệ thống y tế để nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ y tế, niềm tin, sự an tâm và hài lòng của người dân đối với cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.

Đồng thời, để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và yêu cầu của các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, khắc phục căn cơ những vướng mắc, bất cập đã được nhận diện. Chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế.

Thanh Trung (lược ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay717
  • Tháng hiện tại43,423
  • Tổng lượt truy cập1,991,034
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây