Trong phiên làm việc buổi chiều ngày 17 tháng 6 năm 2024 (đợt thứ 2, kỳ họp thứ 7), Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Góp ý đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thái – Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đặt ra một số vấn đề liên quan đến dự án luật, cụ thể đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem lại khoản 1 Điều 2 về giải thích từ ngữ, việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản. Trong đó việc chứng nhận tính hợp pháp của giao dịch quy định như dự thảo chưa rõ, chưa chặt chẽ, bởi vì công chứng viên không đủ cơ sở để chứng nhận nội dung giao dịch có hợp pháp hay không? Trong thực tế đã nẩy sinh nhiều tranh chấp, nhiều vụ lừa đảo từ các giấy tờ, hợp đồng công chứng.
ĐBQH Phạm Hùng Thái, phát biểu thảo luận tại tổ
Đối với quy định tập sự công chứng tại khoản 3 Điều 10, công chứng viên được phân công hướng dẫn tập sự phải có từ đủ 02 năm kinh nghiệm hành nghề công chứng trở lên… Tại cùng một thời điểm, một công chứng viên không được hướng dẫn tối đa là 02 người tập sự. Đại biểu đề nghị điều chỉnh lại cho rõ nghĩa, cụ thể đề nghị điều chỉnh “Tại cùng một thời điểm, một công chứng viên chỉ được hướng dẫn tối đa là 02 người tập sự ”.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ hơn về tính hợp pháp của giao dịch khi công chứng viên công chứng trong dự thảo luật Công chứng (sửa đổi).
Thanh Trung
Ý kiến bạn đọc