Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Chọn Phương án “đề nghị quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của HTX, liên hiệp HTX và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên”

Thứ sáu - 26/05/2023 15:04 132 0

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023) và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách (ngày 05/4/2023); ngày 21/4/2023 đã được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH theo quy định. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo luật này, trong phiên thảo luận tại Hội trường chiều ngày 25/5/2023, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Đoàn Tây Ninh đăng ký phát biểu góp ý đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tuy nhiên, do không đủ thời gian để đến lượt phát biểu, đại biểu Phương phải gửi góp ý bằng văn bản đến Ban soạn thảo (giá trị phát biểu góp ý tại Hội trường và bằng văn bản là như nhau), xin giới thiệu tóm lượt nội dung phát biểu của đại biểu như sau:

Tại Điều 4 về Giải thích từ ngữ, đại biểu Phương đề nghị bổ sung giải thích đối với cụm từ: “Chức danh quản lý” và “Người quản lý liên quan” của Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã vì Dự thảo Luật không có quy định như thế nào là “Chức danh quản lý” và “Người quản lý liên quan”. Tuy nhiên, tại Điều 63 của dự thảo Luật quy định về “Miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các chức danh quản lý của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”, theo đó “Chức danh quản lý” bao gồm: Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng Giám đốc).

Trong khi đó, khoản 2 Điều 97 quy định về “Các trường hợp giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” lại quy định “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã … Người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng Giám đốc) và người quản lý liên quan cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về giải thể tại Luật này.”

Tại điểm e, h khoản 1 Điều 31 quy định về Quyền của thành viên Hợp tác xã và điểm e,  h khoản 1 Điều 35 quy định về Quyền của thành viên Liên hiệp hợp tác xã, đại biểu Phương đề nghị bổ sung cụm từ “(Tổng Giám đốc)” sau cụm từ “Giám đốc” cho thống nhất với các quy định khác của luật vì đối với hợp tác xã có “Tổ chức quản trị đầy đủ” có thể có chức danh “Giám đốc” hoặc “(Tổng Giám đốc)”.

Về việc Chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợptác xã, Liên hiệp hợp tác xã được quy định tại Điều 79, đại biểu Phương thống nhất Phương án 1: đề nghị quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của HTX, liên hiệp HTX và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên với các lý do: (i) Bảo đảm quyền hợp pháp về tài sản được Hiến pháp quy định; (ii) Bảo đảm nguyên tắc mở về thành viên tham gia hoặc rút khỏi HTX, Liên hiệp HTX; (iii) Bảo đảm sự ổn định cho hoạt động của HTX, Liên hiệp HTX khi có thành viên muốn rút một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp, nhất là đối với vốn góp bằng đất đai, tài sản lớn. HTX không cần phải làm các thủ tục đánh giá lại vốn điều lệ, thông báo thay đổi vốn điều lệ, bảo đảm quyền lợi cho các chủ nợ như trường hợp không cho phép chuyển nhượng phần vốn góp; (iv) Tạo thuận lợi cho quá trình mở rộng, phát triển thành viên của các HTX, Liên hiệp HTX khi không phải mất thêm nhiều thời gian, thủ tục để giải quyết cho thành viên rút vốn, chấm dứt tư cách thành viên, sau đó kết nạp cá nhân, tổ chức đủ điều kiện trở thành thành viên HTX, liên hiệp HTX; (v) Luật HTX quy định nguyên tắc đối nhân, mỗi thành viên HTX có một quyền biểu quyết không phụ thuộc vào phần vốn góp; đồng thời cũng giới hạn mức vốn góp tối đa của thành viên chính thức và thành viên liên kết góp vốn.

 Ngoài ra, đại biểu Phương cũng đề nghị bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 79 nội dung “Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã xem xét tư cách thành viên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ” theo đại biểu Phương quy định như vậy là nhằm tránh được nguy cơ thành viên thâu tóm, không làm mất bản chất, tôn chỉ của HTX, liên hiệp HTX.

Quang cảnh phiên họp

Đồng thời, đại biểu Phương cũng cho rằng việc cho phép chuyển nhượng phần vốn góp sẽ giúp ổn định tình hình tài chính, đảm bảo hoạt động bình thường của HTX, liên hiệp HTX. Mặt khác, tại khoản 1 điều 74 dự thảo Luật đã quy định mỗi cá nhân chỉ được góp tối đa 30%/ tổng số vốn điều lệ nên đã có sự hạn chế đối tượng có thể thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp. Do đó, việc chuyển nhượng phần vốn góp vẫn phản ảnh đúng bản chất của HTX, liên hiệp HTX là đối nhân không phải đối vốn.

Về Các trường hợp giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định tại Điều 97, đại biểu Phương đề nghị làm rõ hơn khoản 2 quy định việc các thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã. Đại biểu Phương cho rằng, việc làm rõ nghĩa vụ liên đới này sẽ giải quyết được những khó khăn thực tiễn hiện nay cho cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vấn đề tranh chấp giữa đương sự khác với Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã về các nghĩa vụ tài chính và nghĩa vụ khác khi mà Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã (tức là không tồn tại tư cách pháp lý) nhưng chưa thực hiện thủ tục giải thể bắt buộc, lúc này các thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn của Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã là đối tượng thực hiện quyền và nghĩa vụ liên đới trong các vụ án dân sự.

Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 99, đại biểu Phương đề nghị bổ sung quy định những người có quyền và nghĩa vụ thực hiện thủ tục giải thể bắt buộc theo quy định tại Điều 99 của Luật thì ngoài việc chịu trách nhiệm dân sự (chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về giải thể) thì còn phải chịu chế tài hành chính nhằm tránh tình trạng cố tình không thực hiện thủ tục giải thể bắt buộc.

Đồng thời, cũng tại khoản 2 Điều 99, đại biểu Phương đề nghị bổ sung từ phải sau cụm từ Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã. Cụ thể Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải thực hiện theo các quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 98 của Luật này. Khi gửi nghị quyết giải thể theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 98 của Luật này phải gửi kèm theo bản sao quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.” Theo đại biểu việc bổ sung từ “phải” sau cụm từ Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nhằm mang tính bắt buộc thực hiện của Điều luật, thể hiện tinh chặt chẽ, nghiêm minh của pháp luật.

KC (lược ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách truy cập13
  • Hôm nay377
  • Tháng hiện tại56,633
  • Tổng lượt truy cập913,988
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây