Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Tây Ninh: nghiên cứu xây dựng trung tâm văn hóa ở nước ngoài

Thứ tư - 19/06/2024 17:02 92 0

Sáng ngày 19/6/2024, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đăng ký phát biểu, tuy nhiên do số lượng đại biểu đăng ký quá nhiều nên đại biểu không thể phát biểu trực tiếp tại hội trường. Vì vậy, đại biểu gửi ý kiến phát biểu cho Đoàn Thư ký phiên họp tổng hợp và gửi cho Tổng thư ký Quốc hội. Nội dung phát biểu của đại biểu tập trung vào các nội dung sau:

Theo tờ  trình 165 /TTr-CP ngày ngày 17 tháng 4 năm 2024  về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, trong đó có nội dung nghiên cứu xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.

Đại biểu Phương thống nhất với kiến nghị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hoá – Giáo dục về nội dung này với những lý do như sau:

Thứ nhất, đại biểu Phương cho rằng đây là một trong những việc làm thiết thực nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới hiệu một cách quả nhất. Thông qua đó, chúng ta thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hoá góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, giàu tiềm năng phát triển, người dân thân thiện, yêu chuộng hoà bình. Tăng cường hợp tác, giao lưu văn hoá, giao lưu Nhân dân giữa Việt Nam và các nước, tình hữu nghị, sự hiểu biết tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu và bn vững.

Bên cạnh đó, từ hoạt động của những trung tâm, chúng ta sẽ tích cực giới thiệu những nét đẹp tiêu biểu của con người Việt Nam, giúp bạn bè quốc tế hiểu về lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp, những tư tưởng tiến bộ, nhân văn của Việt Nam ta.

Song song đó, triển khai nhiều chương trình, hoạt động ngoại giao văn hoá đa dạng, phong phú hướng tới đông đảo công chúng và cộng đồng người Việt Nam ở các nước sở tại như: triển lãm tranh ảnh, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt, không gian Việt Nam, biểu diễn văn hoá nghệ thuật…góp phần giới thiệu về đất nước, con người và nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, truyền tải các thông điệp về định hướng phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu văn hoá của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khơi dậy tình cảm gắn bó với quê hương, hướng về Tổ quốc. Đồng thời, giới thiệu các tiềm năng và cơ hội hợp tác, kết nối Doanh nghiệp, thu hút đầu tư, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại hội trường về văn hóa tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Qua các hoạt động ngoại giao văn hoá như trên, cộng với kết hợp thông tin đối ngoại một cách hợp lý sẽ dần thay thế một hình ảnh Việt Nam nghèo đói, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá bằng những hình ảnh đất nước hiện đại, phát triển nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống, cởi mở, thân thiện, thủy chung với bạn bè, tôn trọng đối tác và có trách nhiệm với công việc chung của thế giới.

Thứ hai, chủ trương nhất quán của Đảng và nhà nước ta là “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Phần đông bà con đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập tích cực vào xã hội trên nhiều lĩnh vực, được chính quyền và người dân sở tại đánh giá cao. Trong nhiều năm qua, kiều bào tiếp tục có nhiều hoạt động hướng về quê hương, đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo và xây dựng đất nước. Cho nên yêu cầu có nơi tụ họp, sinh hoạt góp phần giúp kiều bào hiểu hơn về đất nước, nét đặc trưng văn hoá, xây dựng mạng lưới gắn kết kiều bào, đặc biệt là kiều bào trẻ trở nên cấp thiết.

Cũng theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện nay có trên 650 nghìn người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; và hơn 270 nghìn du học sinh đang theo học ở nước ngoài. Vậy làm thế nào để mỗi người Việt Nam lao động theo hợp đồng tại nước ngoài và mỗi du học sinh trở thành đại sứ văn hoá Việt Nam? Mỗi người dân Việt Nam khi ra nước ngoài và tiếp xúc với người nước ngoài luôn ý thức trong việc giữ gìn hình ảnh đất nước, thể hiện tự hào dân tộc, có bản lĩnh văn hoá Việt Nam là điều mà các cơ quan chức năng liên quan phải suy nghĩ và có giải đáp trong thời gian tới.

Thứ ba, có một thực tế đáng buồn là trong thời gian qua, tình hình công dân Việt Nam vi phạm pháp luật nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức như: nhập cảnh, cư trú, lao động trái phép, trộm cắp, đánh bạc, lừa đảo, buôn bán ma tuý… Theo báo cáo của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong năm 2023 có 17.851 công dân Việt Nam bị nước ngoài phát hiện, bắt giữ do vi phạm pháp luật tăng hơn 33% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, tình hình công dân Việt Nam bỏ hợp đồng, bỏ học, cư trú, lao động bất hợp pháp tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, và một số nước Châu Âu… cá biệt tại Australia, từ cuối năm 2023 đã xuất hiện tình trạng du học sinh bỏ trốn, khiến một số bang của nước này quyết định ngừng tiếp nhận học sinh từ một số địa phương của Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng công dân Việt Nam vi phạm nước sở tại, song nguyên nhân trực tiếp và trước hết là do một phận công dân có ý thức kỷ luật, chấp hành pháp luật kém, chấp nhận vi phạm pháp luật nước ngoài về xuất nhập cảnh, cư trú để bỏ trốn, ra ngoài làm việc “chui”, coi việc xuất cảnh là cơ hội để làm việc trái phép. Mặt khác, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa qui định đầy đủ về hậu quả pháp lý đối với công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và phạm tội ở nước ngoài. Chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với Doanh nghiệp để xảy ra tình trạng lao động đi làm việc theo hợp đồng vi phạm pháp luật nước ngoài. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nước sở tại chưa sâu, rộng.

Thời gian tới đây, các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam cần phối hợp làm gì để giảm bớt tình trạng này một cách căn cơ, hiệu quả nhất, không để vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác với các nước, cũng như hình ảnh và uy tín của Việt Nam.

Từ những phân tích trên, đại biểu Phương tán thành với đề xuất xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài tại một số quốc gia. Tuy nhiên, chủ trương này khác với quy định của Luật Đầu tư công về phạm vi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và nguồn lực bảo đảm thực hiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thanh Trung (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập49
  • Hôm nay2,768
  • Tháng hiện tại70,308
  • Tổng lượt truy cập1,848,595
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây