ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TÂY NINH THẢO LUẬN TẠI TỔ (19/6/2024)

Thứ năm - 20/06/2024 07:56 67 0

Trong phiên làm việc buổi chiều ngày 19 tháng 6 năm 2024, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân.

Tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành đối với 02 dự án Luật. Tuy nhiên, đại biểu cũng còn băn khoăn một số nội dung, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ để đề xuất sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau:

Đối với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thứ nhất, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về phòng, chống cháy rừng.

Thứ hai, đối với quy định tại khoản 1 Điều 3 về định nghĩa từ “Cháy”, tồn tại một nghịch lý khi “cháy” lại được định nghĩa bằng “cháy”, nên điều chỉnh để dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu định nghĩa trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, giúp nâng cao hiểu biết trong hai hoạt động này.

Thứ ba, tại Điều 4 quy định về Chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm một khoản quy định về việc“Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.” để thống nhất, đồng bộ với quy định tại Điều 62 Hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của dự thảo Luật.

Thứ tư, tại khoản 3 Điều 5, đề nghị bổ sung vào cuối khoản này nội dung: “.... Bảo vệ tính mạng và sức khỏe con người là trước hết.” vì đây là nguyên tắc rất quan trọng trong phòng cháy, chữa cháy.

Thứ năm, tại khoản 4 Điều 5, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “nhanh chóng và”, điều chỉnh cụm từ “cứu tài sản” thành “bảo vệ tài sản” cụ thể:  “Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện cần thiết để nhanh chóng và kịp thời cứu người bị nạn, bảo vệ tài sản, dập tắt đám cháy khi có tình huống xảy ra.”

Thứ sáu, tại khoản 3 Điều 6, đề nghị bổ sung một khoản quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, cụ thể như sau:

“Tham gia đầy đủ các khóa học, huấn luyện để bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức và quản lý”.

Thứ bảy, cũng tại Điều 6, đại biểu đề nghị cần bổ sung các điều kiện ràng buộc, quy định gắn với trách nhiệm hơn đối với các cá nhân, tổ chức để đảm bảo hơn trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, cần quy định chặt chẽ hơn đối với công tác quản lý, cấp giấy phép chuyển đổi công năng sử dụng nhà ở để tránh tình trạng người chủ sở hữu chia nhà thành nhiều phòng với diện tích nhỏ dễ dẫn đến cháy nhà, khó giải cứu người và của khi có trường hợp cháy xảy ra. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần xử lý nghiêm đối với các trường hợp sau kiểm tra phát hiện vi phạm trong phòng cháy, chữa cháy nhưng không khắc phục.

Thứ tám, tại Điều 40 quy định về lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần bổ sung lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở để phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Điều 9 của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Ngoài ra, cần hạn chế tối đa việc giao cho cơ quan chức năng hướng dẫn luật. Các nội dung, quy định phải được thể hiện rõ, cụ thể ngay trong văn bản luật.

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu tại buổi thảo luật Tổ

Đối với Luật Phòng không nhân dân, thứ nhất, đại biểu đề nghị tại khoản 7 Điều 2 Dự thảo Luật Phòng không nhân dân định nghĩa: Phương tiện bay siêu nhẹ là các vật thể bay mà không phải là tàu bay không người lái, bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian), mà khi bay có khả năng làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và an toàn hàng không”.

Đây là điều khoản dùng để giải thích thế nào là “phương tiện bay siêu nhẹ”. Điều khoản này lần đầu xuất hiện tại Khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2014. Tại thời điểm đó, Luật chỉ sử dụng biện pháp liệt kê “phương tiện bay siêu nhẹ”, bao gồm “khí cầu”“mô hình bay”, sau đó Luật tiến hành định nghĩa “khí cầu”“mô hình bay”.

Việc giải thích từ ngữ như trong dự thảo Luật Phòng không nhân dân là chưa hợp lý và còn tồn tại nhiều bất cập, do:

Thứ nhất, quy định tại khoản 7 Điều 2 dự thảo Luật Phòng không nhân dân hiện tồn tại nhiều bất cập, với việc điều khoản này chỉ định nghĩa: “Phương tiện bay siêu nhẹ là các vật thể bay mà không phải là tàu bay không người lái”. Việc sử dụng biện pháp loại trừ khiến cho định nghĩa này trở nên rất rộng, đồng thời cụm “vật thể bay” thiếu sự đồng nhất với cụm “thiết bị bay” đã được định nghĩa ở trên.

Thứ hai, việc định nghĩa “phương tiện bay siêu nhẹ” nhưng lại không đặt ra cân nặng tối đa cho các thiết bị bay này sẽ dễ gây nhầm lẫn. Với các thiết bị được liệt kê như diều bay, dù bay, chúng có thể nặng từ vài trăm gram tới vài trăm kilogram. Trong khi đó, khí cầu là thiết bị bay có thể nặng hàng trăm kilogram. Việc bổ sung “khí cầu” vào phần liệt kê của định nghĩa sẽ gây xung đột với cụm “siêu nhẹ”, khiến cân nặng của “phương tiện bay siêu nhẹ” trải dài từ vài trăm gram tới vài trăm kilogram. Do đó kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu định nghĩa cụ thể hơn về phương tiện bay siêu nhẹtại khoản 7 Điều 2 dự thảo. Xem xét việc loại trừ khí cầu khỏi định nghĩa phương tiện bay siêu nhẹ”.

Thứ hai, tại khoản 1 Điều 15 giao thẩm quyền huy động lực lượng phòng không nhân dân trên địa bàn quản lý cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đại biểu đề nghị cần xem xét lại đối với việc giao thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã , cần đồng bộ, thống nhất với Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Nghĩa vụ quân sự.

Nhật Linh (lược ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay351
  • Tháng hiện tại129,039
  • Tổng lượt truy cập1,713,915
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây