Sáng ngày 21/6/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu tập trung vào các nội dung sau:
Về tên gọi của Dự thảo Luật, đại biểu Thúy cho rằng, dự thảo Luật tập trung vào tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên, trong khi tên gọi là "Luật tư pháp người chưa thành niên". Như vậy, nội dung và phạm vi điều chỉnh hẹp hơn so với bản chất và chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa tên gọi cho phù hợp.
Liên quan đến biện pháp xử lý chuyển hướng, về giải thích từ ngữ tại khoản 8 điều 4 quy định "Biện pháp xử lý chuyển hướng", đại biểu cho rằng nội dung này chưa rõ. Đề nghị có thể tham khảo khái niệm này do Uỷ ban quyền trẻ em liên hợp quốc nêu trong Bình luận chung số 24 cho phù hợp "Xử lý chuyển hướng là những biện pháp để chuyển người chưa thành niên bị buộc tội ra khỏi quá trình tố tụng hình sự ngay sau khi khởi tố bị can hoặc viện kiểm sát nhận được kết luận điều tra hoặc Toà án nhận được cáo trạng".
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu tại Hội trường sáng ngày 21/6
Về quy trình xử lý chuyển hướng đại biểu Thúy ủng hộ loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế quy trình tố tụng hình sự. Trường hợp vi phạm nghĩa vụ trong quá trình thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì người chưa thành niên có thể bị thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc nhất là biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà không bị tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp phạm tội mới.
Quy định này bảo đảm chính sách hình sự nhất quán, bao trùm là hướng đến mục đích giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, thay đổi nhận thức, cải thiện hành vi, khắc phục những hạn chế của tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên như: định kiến tiêu cực và sự kỳ thị đối với người chưa thành niên phạm tội, sự kiểm soát và cưỡng chế không cần thiết của các biện pháp được áp dụng; giải quyết các vấn đề của người chưa thành niên là nguyên nhân từ gốc rễ của hành vi vi phạm pháp luật; tiết kiệm chi phí và các nguồn lực của hệ thống hành pháp và tư pháp để đối phó với các loại tội phạm nghiêm trọng hơn.
Đại biểu Thúy không ủng hộ quan điểm trường hợp người chưa thành niên không chấp hành tốt biện pháp xử lý chuyển hướng và có vi phạm nghĩa vụ thì tiếp tục thực hiện thủ tục tố tụng điều tra, truy tố, xét xử thông thường. Đại biểu cho rằng khi được áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng thì người chưa thành niên đã được miễn trách nhiệm hình sự.
Về quy định người làm công tác xã hội tại khoản 11 Điều 4 của dự thảo quy định Người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên, bao gồm nhân viên công tác xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công chức văn hóa - xã hội cấp xã được cơ quan có thẩm quyền đề nghị tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên và tại Điều 31 quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ quyền hạn của người làm công xã hội. Theo quy định của dự thảo thì người làm công tác xã hội có vai trò quan trọng và tham gia rất nhiều khâu trong quá trình tố tụng và cũng là người đề xuất áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Vì vậy đây phải là người làm nhiệm vụ này chuyên nghiệp. Thế nhưng tại khoản 11 Điều 4 không quy định người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công chức văn hoá - xã hội cấp xã là quy định không khả thi vì đây là lực lượng bán chuyên trách, không thể vừa đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn từ ngành dọc lại vừa phải chuyên nghiệp, đáp ứng điều kiện và các nhiệm vụ được quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật, có ảnh hưởng đến nhiều quyết định đối với quá trình xét xử người chưa thành niên phạm tội.; Về Điều kiện, không chỉ đảm bảo như điểm a, b khoản 1 Điều 31 mà còn phải bổ sung người làm công tác xã hội phải thuộc các cơ quan, tổ chức được Pháp luật quy định, vì điều kiện như dự thảo Luật thì người học chuyên ngành công tác xã hội và đang hành nghề tự do cũng có thể đảm bảo; Về nhiệm vụ tại khoản 2 Điều 31 đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại để tránh chồng lấn lên công việc của cơ quan tiến hành tố tụng, công việc của người bào chữa, người bảo vệ. Đồng thời, nếu như quy định như dự thảo thì cơ quan tiến hành tố tụng lệ thuộc nhiều vào vai trò của nhân viên công tác xã hội, cần xem xét kỹ để chọn lọc lại thật cần thiết thì mới giao cho nhân viên công tác xã hội.
Về xử lý chuyên biệt tại khoan 6 Điều 12 dự thảo quy định “Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất”. Với quy định này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét xây dựng bổ sung “Khung tham chiếu cụ thể đối với nhóm tuổi phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi và Khung tham chiếu đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, chuẩn bị phạm tội”. Do thời gian vừa qua áp dụng Điều 101 và Điều 102 Bộ luật Hình sự chưa thống nhất, không xác định được khung cụ thể khi áp dụng 02 Điều này đối với người chưa thành niên phạm tội.
Vấn đề xác định tuổi của người chưa thành niên quy định tại Điều 25 của dự thảo Luật đang xác định tuổi của người chưa thành niên phạm tội và bị hại là giống nhau. Đại biểu Thúy cho rằng quy định như vậy sẽ bất lợi cho người chưa thanh niên phạm tội và không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật tố tụng hình sự. Chẳng hạn như tại khoản 3 Điều 25 dự thảo luật "Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi xác định để xác định". Đề nghị cần quy định cụ thể hơn.
Đại biểu Thúy ví dụ một vụ án cụ thể về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, theo kết luận giám định pháp y về độ tuổi của người bị hại là 16 tuổi (trên hoặc dưới 6 tháng). Nếu căn cứ như quy định đại biểu vừa ví dụ thì người bị hại phải xác định là 15 tuổi 6 tháng (không phải 16 tuổi 6 tháng). Cơ quan tiến hành tố tụng phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được quy định tại khoản 1 Điều 146 Bộ Luật Hình sự. Cách xác định như trên gây bất lợi cho bị can vì người bị hại có thể 15 tuổi 6 tháng đến 16 tuổi 6 tháng, và không có căn cứ để xác định ở tuổi nào mà phải vận dụng quy định "suy đoán", việc suy đoán này theo chiều hướng bất lợi cho bị can và chưa phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội. Đại biểu Thúy đề nghị chia làm 2 trường hợp: thứ nhất, tính tuổi bị hại để áp dụng thủ tục tố tụng riêng đối với họ thì áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho bị hại; Thứ hai, tính tuổi của bị hại để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội và tính tuổi của người chưa thành niên phạm tội áp dụng theo nguyên tắc suy đoán vô tội theo hướng có lợi cho người phạm tội.
Thanh Trung (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc