Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Tây Ninh: góp ý Luật Tư pháp người chưa thành niên

Thứ sáu - 21/06/2024 22:30 24 0

Sáng ngày 21/6/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đăng ký góp ý, tuy nhiên do số lượng đại biểu đăng ký quá nhiều nên đại biểu không thể ý kiến trực tiếp tại hội trường. Vì vậy, đại biểu gửi ý kiến góp ý cho Đoàn Thư ký phiên họp tổng hợp và gửi cho Tổng thư ký Quốc hội. Nội dung góp ý của đại biểu tập trung vào các nội dung sau:

Về điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 39), dự thảo Luật quy định 3 điều kiện áp dụng người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 37 của Luật này; các biện pháp xử lý chuyển hướng này nếu so sánh với các hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự thì nhẹ hơn rất nhiều, nhưng điều kiện để được áp dụng được quy định trong Dự thảo Luật hiện còn chung chung, chưa có những điều kiện cụ thể để đánh giá, so sánh giữa người chưa thành niên này với người chưa thành niên khác khi cùng phạm tội để xem xét, quyết định. Điều này có thể dẫn đến việc áp dụng tùy nghi. Vì vậy, đề nghị cần  quy định có sự phù hợp và cụ thể hơn nữa để thuận lợi và thống nhất trong quá trình xem xét áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 53), đại biểu Phương thống nhất với phương án 1 quy định 2 khoản thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Việc xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tức là có thể được áp dụng ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào để đảm bảo việc áp dụng kịp thời và tạo điều kiện tốt nhất cho người chưa thành niên. Khi giao thẩm quyền xem xét áp dụng cho Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Thẩm phán, Hội đồng xét xử thì cần quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ. Mặt khác, việc quy định thẩm quyền này cũng phù hợp với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong việc thực hiện thẩm quyền của các cơ quan tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử.

Về Đình chỉ, tạm đình chỉ áp dụng thủ tục xử lý chuyển hướng (Điều 59), theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Dự thảo Luật thì quyết định đình chỉ áp dụng thủ tục xử lý chuyển hướng khi người chưa thành niên bị buộc tội kêu oan hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Như vậy, khi người chưa thành niên bị buộc tội kêu oan thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Thẩm phán, Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ áp dụng thủ tục xử lý chuyển hướng. Tuy nhiên khi đã ra quyết định đình chỉ rồi thì việc xem xét giải quyết việc kêu oan theo thủ tục nào để xác định kêu oan có căn cứ không; nếu không có căn cứ thì tiếp tục áp dụng biện pháp chuyển hướng như thế nào. Trong khi quy định tại khoản 4 chưa rõ cách giải quyết đối với trường hợp này. Vì vậy, đề nghị có quy định rõ hơn.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng ngày 21/6

Về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại, kiến nghị (Điều 72), theo quy định Điều 72 Dự thảo Luật có thể hiểu việc giải quyết khiếu nại chỉ được giải quyết 1 lần và là quyết định có hiệu lực pháp luật. Việc quy định như trên chưa đảm bảo tính khách quan vì chính cơ quan ra quyết định áp dụng lại ra quyết định giải quyết khiếu nại và đây là quyết định giải quyết cuối cùng, có hiệu lực ngay. Trong trường hợp quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không đúng, bị khiếu nại thì phải có thêm cơ quan khác xem xét lại quyết định này, nên nếu quyết định giải quyết khiếu nại do chính cơ quan áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ban hành thì chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, đề nghị xem xét lại quy định này, có thể xem đây là quyết định khiếu nại trong hoạt động tư pháp và áp dụng quy trình giải quyết khiếu nại như hiện nay trong Bộ luật Tố tụng hình sự (hiện nay, Thủ trưởng CQĐT giải quyết khiếu nại quyết định của Phó Thủ trưởng, đây là quyết định giải quyết lần đầu, nếu người khiếu nại không đồng ý thì khiếu nại lần 2 đến VKS giải quyết và quyết định giải quyết của VKS có hiệu lực pháp luật; tương tự như vậy, nếu Viện trưởng VKS giải quyết lần đầu, người khiếu nại không đồng ý thì khiếu nại đến VKS cấp trên và quyết định giải quyết khiếu nại của VKS cấp trên là quyết định cuối cùng có hiệu lực pháp luật).

Về thủ tục cho học sinh ra trường (Điều 105), tại khoản 3 Điều 105 quy định: “Trường hợp hết thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà học sinh vẫn chưa tiến bộ thì Hiệu trưởng phải có bản nhận xét riêng và kiến nghị các biện pháp giáo dục tiếp theo gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó về cư trú”. Trong khi đó, 12 biện pháp xử lý chuyển hướng thì biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp nghiêm khắc nhất do Tòa án áp dụng. Hết thời hạn chấp hành biện pháp này mà người chấp hành vẫn không tiến bộ thì Hiệu trưởng kiến nghị các biện pháp giáo dục tiếp theo là biện pháp gì và cơ quan nào có thẩm quyền áp dụng các biện pháp đó thì luật chưa quy định rõ ràng.

Về tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội (Điều 135), dự thảo Luật quy định : “1. Trong vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tách vụ án hình sự đối với người chưa thành niên để giải quyết vụ án độc lập”. Đại biểu Phương còn băn khoăn đối với quy định bắt buộc này. Bởi lẽ, nếu tách vụ án sẽ làm tăng số lượng vụ án (từ 1 vụ thành 2 vụ, trong khi về bản chất thực tế là chỉ có 1 vụ), làm phát sinh các trình tự, thủ tục (như Cơ quan điều tra ban hành 2 Kết luận điều tra, Viện kiểm sát ban hành 2 Cáo trạng, và nhất là Tòa án xét xử thành 2 phiên tòa, trong đó người chưa thành niên vừa tham gia phiên tòa mà mình là bị cáo vừa tham gia phiên tòa trong vụ án có người đã thành niên đã được tách ra). Vì vậy, đề nghị cần xem xét toàn diện về tính hiệu quả, sự tác động nếu quy định như trên.

Về bồi thường thiệt hại cho người bị hại là người chưa thành niên, tại khoản 4 Điều 153 Dự thảo Luật quy định: “Trường hợp người chưa thành niên là bị hại được bồi thường, nhưng người bồi thường không thể thực hiện ngay thì có thể sử dụng kinh phí từ Quỹ Bảo Trợ trẻ em cho họ. Người có nghĩa vụ bồi thường phải thực hiện hoàn trả quỹ theo quy định”.

Trong giải quyết vụ án hình sự, việc buộc bồi thường thiệt hại là một trong những biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự, đây cũng là một phần của bản án mà người chấp hành án phải thi hành.

Đại biểu Phương đề nghị cần phải đánh giá đầy đủ về nguồn lực của Quỹ Bảo trợ trẻ em, trả toàn bộ hay một phần số tiền phải bồi thường, thời gian hoàn trả lại bao lâu, nếu không hoàn trả thì có thể phải khởi kiện vụ án dân sự khác. Mặt khác, trách nhiệm bồi thường là một phần của bản án, người chấp hành án chỉ được xóa án tích khi đã thi hành toàn bộ bản án và trong thời hạn quy định không có vi phạm, nhưng nếu Quỹ Bảo trợ trẻ em ứng trước phần bồi thường này thì tính việc chấp hành bản án như thế nào. Đại biểu Phương đề nghị cân nhắc lại quy định này vì thiếu tính khả thi. Việc thi hành quyết định bồi thường đã có quy định tại Điều 154 Dự thảo Luật là tương đối đầy đủ.

Thanh Trung (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay1,889
  • Tháng hiện tại91,588
  • Tổng lượt truy cập1,379,572
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây