Trong phiên làm việc buổi chiều ngày 18 tháng 6 năm 2024, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Góp ý đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng đề nghị của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược chưa được tương thích với Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bởi vì hai luật này đều hướng đến mục đích chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Đại biểu Phương đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện, nếu cần thiết thì bổ sung một số nội dung chưa có quy định trong luật, cụ thể:
Thứ nhất, trong Luật khám bệnh, chữa bệnh có quy định về cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quy định chặt chẽ toàn diện. Tuy nhiên tại Điều 13 Luật Dược có quy định điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề dược, đại biểu cho rằng các điều kiện tại điều này quá dễ để được cấp chứng chỉ, chưa có các bước để kiểm tra, đánh giá năng lực của người hành nghề. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa một phần trong dự án Luật Dược, trong đó đề nghị điều chỉnh “Chứng chỉ hành nghề dược” thành “Giấy phép hành nghề dược” để đồng nhất tên gọi và nhằm để thể hiện giá trị pháp lý, bao quát, đầy đủ và toàn diện hơn. Đồng thời, đảm bảo tính tương thích giữa Luật Dược và Luật Khám bệnh, chữa bệnh và một luật có liên quan khác.
Thứ hai, để nâng cao năng lực chuyên môn của ngành dược, ngoài điều kiện cấp Giấy phép hành nghề theo Điều 13 của Luật Dược hiện hành, đại biểu đề nghị người được cấp Giấy phép hành nghề dược ngoài có chứng chỉ (văn bằng học tập), có thời gian công tác trong ngành y thì cần phải thông qua kỳ thi hoặc qua kỳ sát hạch về chuyên môn để đánh giá năng lực. Qua đợt sát hạch cũng sàn lọc, lựa chọn người có năng lực thật sự để hành nghề. Vì đây là ngành nghề đặc biệt, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.
Thứ ba, về thời hạn người được cấp giấy chứng nhận hành nghề dược theo Luật Dược thì được cấp suốt đời, phạm vi trong cả nước. Tuy nhiên, qua 07 năm thi hành Luật Dược đến nay chưa có tổ chức một kỳ thi sát hạch nào; việc quản lý đội ngũ hành nghề dược trong cả nước vẫn còn đang bất cập, bởi vì chứng chỉ được cấp vô thời hạn và không có đánh giá năng lực định kỳ, từ đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của đội ngũ hành nghề. Đại biểu Phương đề nghị nên giới hạn lại thời hạn của Giấy phép hành nghề trong vòng 05 năm, tương đồng với thời gian cấp Giấy phép trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Sau thời hạn trên, người hành nghề muốn tiếp tục gia hạn thì phải thông qua kỳ thi sát hạch để kiểm tra đánh giá năng lực, để đảm bảo chặt chẽ, quản lý tốt và nâng cao tính chuyên môn sâu của ngành y.
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương, phát biểu thảo luận tại tổ
Thứ tư, đối với khoản 1 Điều 23 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, quy định thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược. Với nội dung: Giám đốc Sở Y tế thành lập Hội đồng tư vấn cấp Chứng chỉ hành nghề dược có sự tham gia của đại diện hội về dược để tư vấn cho Giám đốc Sở Y tế trong việc cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược. Đại biểu Phương đề nghị Ban soạn thảo xem xét, không quy định thành lập Hội đồng tư vấn để tư vấn cho Giám đốc Sở Y tế trong việc thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược. Bởi vì, việc thành lập Hội đồng tư vấn để tư vấn cho Giám đốc Sở Y tế trong việc thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược sẽ gây mất thời gian và không đảm bảo tính kịp thời trong việc thu hồi Chứng chỉ. Giám đốc Sở Y tế chỉ cần căn cứ theo quy định tại Điều 28 Luật Dược để quyết định thu hồi.
Thanh Trung (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc