Để vừa đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương và phục vụ cho công tác thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, theo Tờ trình số 568/TTr-UBND ngày 29/02/2024 của UBND tỉnh về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chức danh và mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở ấp, khu phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; việc kiêm nhiệm chức danh và mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở ấp, khu phố; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết), dự kiến trình tại Kỳ họp chuyên đề tháng 4/2024 của HĐND tỉnh. Sáng ngày 13/3/2024 Ban Pháp chế HĐND tỉnh có buổi làm việc với UBND thành phố Tây Ninh, UBND phường Ninh Thạnh và UBND xã Thạnh Tân để thu thập thông tin, lấy ý kiến đối tượng tác động của dự thảo Nghị quyết. Buổi làm việc do bà Nguyễn Thị Chi, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh – Trưởng đoàn chủ trì; tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, lãnh đạo Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở Nội vụ; đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh; đại diện Sở Tài chính.
Tại buổi khảo sát, đại diện lãnh đạo phòng Tài chính - UBND thành phố Tây Ninh trình bày báo cáo tình hình việc thực hiện theo quy định chức danh và mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và ở ấp, khu phố theo dự thảo Nghị quyết mới, đại diện lãnh đạo Phòng Nội vụ thành phố, lãnh đạo UBND phường Ninh Thạnh và lãnh đạo UBND xã Thạnh Tân có một số ý kiến, kiến nghị xoay quanh: số lượng, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức khoán kinh phí hoạt động và nguồn cân đối ngân sách để chi hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; đề nghị tăng mức hỗ trợ hàng tháng người trực tiếp tham gia hoạt động của ấp, khu phố, gồm: Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ bộ phận; Phó Trưởng ấp, khu phố; Phó trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, khu phố; Phó Bí thư chi bộ ấp, khu phố; Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội ở ấp, khu phố; mức hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và nguồn kính phí thực hiện đối với các nội dung chi của dự thảo Nghị quyết,..
Ông Nguyễn Trung Hiếu - PCT UBND thành phố Tây Ninh báo cáo với Đoàn khảo sát
Đồng thời, UBND thành phố cũng báo thêm về tình hình kinh phí khó khăn của địa phương, cụ thể: Mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã đang thực hiện theo hiện trạng Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2025; mức khoán chi này thực hiện theo kinh phí khoán (tự chủ); trong đó kinh phí tự chủ khoán chi là 400 triệu/đơn vị/năm, tuy nhiên phải tiết kiệm thêm 10% (40 triệu) chi hoạt động thường xuyên để thực hiện chi cải cách tiền lương; kinh phí còn lại sau khi tiết kiệm là 360 triệu; phải đảm bảo chi khoán theo dự thảo nghị quyết mới 150 triệu/đơn vị/năm (đối với xã loại I); vậy kinh phí còn lại để hoạt động chi thường xuyên là 210 triệu thì khả năng không đảm bảo để hoạt động.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, UBND thành phố Tây Ninh kiến nghị năm 2023 ngân sách Thành phố hụt thu cân đối, do đó năm 2024 đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ, bổ sung phần chênh lệch tăng thêm theo dự thảo nghị quyết mới. Để đảm bảo kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, kiến nghị tăng định mức khoán kinh phí hoạt động quản lý hành chính để đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động theo dự thảo nghị quyết mới.
Đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính đã tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại diện đơn vị được khảo sát.
Ngọc Cẩn
Ý kiến bạn đọc